Kiến trúc xanh có lẽ là một trong những từ khoá được kiếm tìm nhiều nhất hiện nay, khi mà cuộc sống của con người đang bị đe doạ bởi vô vàn yếu tố bất lợi từ môi trường sống. Kiến trúc xanh đã được nhắc đến vào thập niên 80 của thế kỷ XX và đang trở thành xu thế phát triển của kiến trúc hiện đại mà kiến trúc sư người Ý Stefano Boeri với các dự án xanh nổi tiếng của mình là một trong những minh chứng điển hình.
Nói đến Stefano Boeri là nói đến những khu vườn treo đầy ấn tượng. Có lẽ, nỗi ám ảnh bởi màu xanh của cây cối qua cuốn tiểu thuyết thời thơ ấu “Il Barone Rampante”
(The Baron in the Tree – Nam tước trên cây) – cuốn sách kể về cậu bé Cosmo trèo lên cây và quyết không đặt chân xuống đất suốt cả đời, rồi học được cách sống giữa thiên nhiên, trở thành một nhà bác học, nhưng vẫn giữ được cốt cách quý tộc của mình – đã thôi thúc ông phải tạo ra những dự án kết nối với thiên nhiên. Có thể thấy, xuyên suốt sự nghiệp của Stefano Boeri là các dự án xanh, từ các dự án kiến trúc như Bosco Vertical ở Milan (Italy), The Green Cathedral (Amsterdam, Hà Lan), Pudong Airport Sky Jungle (Thượng Hải, Trung Quốc), cho đến dự án thiết bị nhà bếp Oasi thực hiện cho thương hiệu Aran Cucine mới đây. Tất cả đều cho thấy sự nhất quán trong triết lý làm nghề của Stefano Boeri: tạo ra những dự án bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng và xã hội. Mới đây, Stefano Boeri đã tham gia diễn đàn “Đô thị cho tương lai” (Cities for tomorrow) do tạp chí The New York Times chủ trì với tư cách là diễn giả để truyền đi thông điệp về những “khu rừng trong phố” trong nỗ lực cùng nhân loại tạo dựng các công trình bền vững trước bối cảnh biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Được khởi công vào năm 2009 và khánh thành vào tháng 10 năm 2014, Bosco Vertical (hay còn được gọi là Vertical Forest – Vườn thẳng đứng/
Vườn treo) là một phần trong công trình trùng tu khu di tích lịch sử của Milan giữa Via De Castillia và Confalonieri ở Porta Nuova, bao gồm hai tháp căn hộ 26 tầng và 18 tầng với 400 căn hộ cao cấp. Hai khối nhà sừng sững 110m và 76m này được bao phủ bởi hơn 1000 loại cây thân gỗ, cây bụi và thân thảo, tạo nên một mảng xanh vô cùng ấn tượng và nổi bật trên nền xám xịt của bê tông và sắt thép xung quanh.
Hai toà tháp được thiết kế độc đáo với bề mặt bậc thang xếp chồng so le nhằm tạo không gian cho các vườn cây, tối đa hóa lượng ánh sáng cho từng căn hộ, đồng thời tạo điều kiện sinh trưởng tốt hơn cho các loài chim và côn trùng. Việc áp dụng hệ thống năng lượng mặt trời cùng hệ thống nước thải sinh hoạt được xử lý và tái sử dụng cho hệ thống tưới tiêu hoa cảnh cũng là những yếu tố giúp dự án này dành được chiến thắng với hai giải thưởng kiến trúc danh giá gồm Best Tall Building Worldwide 2015 và Urban Habitat.
The Green Cathedral là một trong những dự án xanh được Stefano Boeri Architetti thực hiện cho trụ sở mới của học viện InHolland tại Zeeburgereiland thuộc Sluisbuurt ở Amsterdam. Dự án tuân thủ hai khái niệm chính: một mặt, đó là tính linh hoạt của không gian để thiết kế nội thất có thể thay đổi bất cứ lúc nào nếu có sự điều chỉnh về số lượng sinh viên, tức không gian có thể tăng hoặc giảm 20% trong 5 năm học; mặt khác, đó là tính bền vững của tòa nhà và khả năng quản lý tất cả các tài nguyên kinh tế và môi trường của nó.
Với diện tích khá giới hạn 70 x 75 mét để xây dựng một tòa nhà có chiều cao tối đa 30 mét cùng yêu cầu nghiêm túc về các giải pháp thiết kế với khả năng thông gió và chiếu sáng tự nhiên cho toàn bộ khu nhà, các kiến trúc sư đã chia tòa nhà thành hai phần lý tưởng với trung tâm là một khoảng sân xanh, hoạt động như một không gian giải trí và là yếu tố kết nối của một phần của tòa nhà đối diện với đường phố và một phần nằm ở phía sau toà nhà. Phần trước của tòa nhà được thiết kế ấn tượng với kiểu mái dốc để vinh danh kiến trúc truyền thống của Hà Lan qua cấu trúc nhẹ và trong suốt, mang đến cảm giác như thể nó là một ngôi nhà xanh khổng lồ che chở cho nhiều loài cây cao cùng nhiều loại cây bụi, tạo nên vẻ tự nhiên cho tổng thể tòa nhà. Các tấm lợp được bố trí theo kiểu lệch tâm để tạo không gian cho các thảm thực vật phát triển. Kiểu thiết kế này thực sự là một đóng góp đáng giá cho lịch sử kiến trúc Hà Lan và đặc biệt là khái niệm Trường học mở (Open Air School), nơi các lớp học được thiết kế với những bức tường kính có khả năng mở rộng để đón nắng và gió bên ngoài.
Tính bền vững của tòa nhà còn được thể hiện qua một hệ thống các tấm pin quang điện bao phủ bề mặt 3000 mét vuông mặt tiền, nơi các thanh gỗ tái chế được thiết kế như một hệ thống che nắng hữu hiệu.
Dự án sân bay Phú Đông ở Thượng Hải (Trung Quốc) cho thấy khái niệm về hai không gian đa chức năng được lấy cảm hứng từ sự đa dạng sinh học. Sky Jungle, khu vực phòng chờ tại Terminal 2 được lấy cảm hứng từ thảm thực vật từ những khu rừng rậm. Các khu vực công cộng như quầy lễ tân cho đến các khu chức năng khác như không gian hội họp, vui chơi và giải trí cũng được phủ bởi sắc xanh của cây cối.
Các yếu tố tự nhiên đóng vai trò chính trong thiết kế, trong khi các món đồ nội thất và vật liệu hoàn thiện với màu sắc trung tính được chọn lựa kỹ lưỡng để kết hợp hài hòa với mảng xanh. Không gian thoáng đãng và nhẹ nhàng của Sky Jungle ở tầng trên mang đến cho du khách những phút giây riêng tư, yên tĩnh và tách biệt khỏi nhịp điệu điên cuồng của sân bay.
Tầng dưới có có tên gọi Khu rừng dưới lòng đất được lấy cảm hứng từ những cây nấm. Trong khu vực này, sự kết hợp giữa màu xanh đậm và bạc, thủy tinh và ánh sáng khuếch tán cùng tạo nên một môi trường thư giãn đầy phong cách.
Nếu Bosco Vertical gắn với nỗ lực của Stefano Boeri trong việc xanh hóa không gian đô thị nói chung thì với dự án Oasi, vị kiến trúc sư tài ba này đang xanh hóa một sản phẩm cụ thể – đảo bếp. Kiến trúc đã phát triển thành một phương tiện để con người tương tác với thiên nhiên ngay trong gian bếp nhà mình.
Bắt đầu từ cách thiết kế cổ điển của đảo bếp đứng, Oasi cho thấy đó là một đảo bếp nấu ăn đơn giản, chứa tất cả các yếu tố cần thiết của một không gian sống truyền thống như kiểu nhà bếp điển hình của Ý. Khối đứng tự do hình vuông được phát triển như một thiết bị công nghệ đa chức năng có khả năng hỗ trợ tất cả các giai đoạn của chu trình chế biến, từ lưu trữ, vệ sinh, chuẩn bị, chế biến, phục vụ, sử dụng và tái chế, theo một quy trình được coi là nguyên tắc quan trọng trong thiết kế của Stefano Boeri. Yếu tố thẩm mỹ mang tính biểu tượng cao của thiết kế chính là cây chanh như một nhánh cây bung nở ra từ một cái nồi lớn. Điều thú vị là cây chanh có thể nở hoa và cho quả trong hầu hết mọi mùa, dễ dàng thích ứng với không gian bên trong nhà.
Bình luận